SƠ CẤP CỨU VÀ HUẤN LUYỆN SƠ CẤP CỨU

SƠ CẤP CỨU LÀ GÌ?

Sơ cấp cứu là các hành động ban đầu nhằm trợ giúp hay điều trị ngay ban đầu khi người bệnh vừa xảy ra các sự cố về rủi ro, tai nạn gây chấn thương, bệnh đột ngột trong khi chờ phương tiện hỗ trợ, y bác sỹ cứu chữa cho bệnh nhân. 

HUẤN LUYỆN SƠ CẤP CỨU LÀ GÌ?

Huấn luyện sơ cấp cứu là việc trang bị cho người lao động những kiến thức cơ bản về hoạt động sơ cứu, hướng dẫn những thao tác sơ cấp cứu ban đầu để trợ giúp nạn nhân trước khi nhân viên y tế đến nơi. Việc sơ cấp cứu này nhằm ngăn không cho tình trạng nạn nhân ngày càng xấu đi. Tạo cơ hội phục hồi và cứu sống nạn nhân.

Đối tượng huấn luyện sơ cấp cứu theo Thông tư 19/2016/TT-BYT

Theo Điều 9 Thông tư 19/2016/BYT ngày 30/06/2016 quy định đối tượng Huấn luyện sơ cứu, cấp cứu bao gồm:

  1. Người lao động, trừ trường hợp đã có Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động;
  2. Người được phân công tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu.Thời gian quy định huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu

Phụ lục 6 Thông tư 19/2016/TT-BYT quy định thời gian huấn luyện sơ cấp cứu như sau:

Thời gian huấn luyện sơ cấp cứu lần đầu:

– Đối với người lao động: 4 giờ;

– Đối với lực lượng sơ cứu, cấp cứu: 16 giờ (2 ngày).

Thời gian huấn luyện sơ cấp cứu định kỳ:

– Đối với người lao động: 2 giờ;

– Đối với lực lượng sơ cứu, cấp cứu: 8 giờ (1 ngày).

Nội dung Huấn luyện sơ cấp cứu như thế nào?

Nội dung huấn luyện sơ cấp cứu bao gồm:

  • Các nguyên lý cơ bản về sơ cứu, cấp cứu tại chỗ
  • Băng bó vết thương (Nguyên tắc, các phương tiện dùng để băng bó, kỹ thuật băng bó)
  • Kỹ thuật cầm máu tạm thời (Nguyên tắc cầm máu, các biện pháp cầm máu tạm thời)
  • Kỹ thuật cố định gãy xương tạm thời (Nguyên tắc cố định gãy xương, các phương tiện cố định gãy xương)
  • Kỹ thuật hồi sinh tim phổi (Nhận biết dấu hiệu ngừng tuần hoàn hô hấp, hướng dẫn thông thoáng đường thở và hỗ trợ hô hấp, hướng dẫn hồi sức tim phổi)
  • Xử lý bỏng; (Đánh giá nguyên nhân và mức độ bỏng, xử lý cấp cứu bỏng tại chỗ)
  • Phương pháp vận chuyển nạn nhân an toàn không cáng và có cáng để cấp cứu ban đầu
  • Các hình thức cấp cứu: Cấp cứu điện giật, Cấp cứu đuối nước, Cấp cứu tai nạn do hóa chất
  • Hướng dẫn chung nội dung và sử dụng túi sơ cứu
  • Thực hành chung cho các nội dung

Đây là chương trình huấn luyện định kỳ hàng năm theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 06 năm 2016 của Bộ Y tế “Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động”, nhằm rèn luyện cho người lao động có các kỹ năng sơ cấp cứu cần thiết. 

Quy trình sơ cấp cứu ban đầu

Bước 1: Đánh giá vị trí nạn nhân gặp nguy hiểm

  • Để ý khung cảnh xung quanh người bị nạn có an toàn không và kiểm tra những nguy hiểm có thể xảy ra đối với bản thân bạn và những người xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn an toàn trước khi có ý định cứu một ai đó.
  • Lưu ý: Nếu bạn nhận thấy có sự nguy hiểm thì không nên đến cứu người mà gọi điện thoại khẩn cấp cho những người trợ giúp chuyên nghiệp như gọi cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát…

Bước 2: Đánh giá tình trạng của nạn nhân

  • Bạn hãy để ý những biểu hiện của người bị nạn dưới đây:
  • Nạn nhân còn tỉnh táo hay bất tỉnh? Thở hay không thở? Chảy máu nhiều hay không? Có gặp chấn thương ở bộ phận nào không?…

Bước 3: Gọi điện thoại nhờ hỗ trợ

Sau khi đánh giá nạn nhân đang gặp nguy hiểm, bạn hãy tìm đến các sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc những người có chuyên môn khác:

  • 113: Số điện thoại khẩn cấp gọi cảnh sát khi có việc liên quan đến an ninh trật tự
  • 114: Số điện thoại gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn
  • 115: Số điện thoại cấp cứu về y tế

Trong khi chờ những sự trợ giúp chuyên nghiệp, bạn hãy can thiệp cứu giúp người dựa trên những kỹ năng sơ cứu mà bạn đã có. Tuy nhiên, bạn vẫn luôn phải để ý đến sự an toàn của bản thân.

Bước 4: Thực hiện sơ cấp cứu

  • Trường hợp nạn nhân ngưng thở thực hiện kỹ năng hồi sức tim phổi đến khi nạn nhân tỉnh hoặc nhân viên y tế đến.
  • Trường hợp nạn nhân chảy máu thực hiện kỹ năng cầm máu để tránh nạn nhân mất máu quá nhiều.
  • Trường hợp nạn nhân bất tỉnh hãy gọi to nạn nhân nếu nạn nhân không phản ứng lắc vai, tay chân nạn nhân, đồng thời kiểm tra nhịp thở nạn nhân.

Nếu đội ngũ chuyên môn y tế có thể đến sớm, bạn không nên di chuyển người bị nạn mà hãy duy trì sự an toàn cho họ tại vị trí đang nằm. Ngoài ra, nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì bạn nên trấn an họ và giải thích bạn đang làm gì để giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh nguy kịch.

Bước 5: Đảm bảo an toàn cho người bị nạn

  • Quy trình sơ cấp cứu đúng cách là bạn hãy đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân trong khi chờ đợi những người có chuyên môn đến giúp đỡ.
  • Các bước sơ cấp cứu cần thực hiện hết sức nhanh chóng và cẩn trọng để cứu sống người. Tuy nhiên, bạn vẫn nên biết các quy trình sơ cấp cứu để có thể giữ an toàn cho chính mình và mọi người nhé.

Các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu

Dưới đây là 5 kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản nhất có thể áp dụng được trong nhiều sự cố thường gặp. Nó không chỉ phù hợp trong xử lý tình huống ngoài đời sống mà còn có thể áp dụng trong lao động.

  1. Hồi sức tim phổi cho người ngạt thở
  2. Sơ cứu người bị điện giật
  3. Sơ cứu người bị bỏng
  4. Sơ cứu người bị gãy xương
  5. Sơ cứu người bị chảy máu nhiều

Giấy chứng nhận sơ cấp cứu có thời hạn bao lâu?

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện sơ cấp cứu, học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa huấn luyện sơ cấp cứu theo TT19/2016/TT-BYT. Giấy chứng nhận có giá trị trong vòng 01 năm.

Đơn vị nào huấn luyện sơ cấp cứu thông tư 19 BYT?

Những tổ chức đơn vị Bộ Ban ngành cấp giấy chứng nhận có đủ điều kiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động có thể tổ chức các lớp huấn luyện sơ cấp cứu. Ngoài ra, có thể tham gia các lớp sơ cấp cứu tại các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở giáo dục… nếu đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của lớp học.

Quy định về túi sơ cấp cứu

Tại Điều 6 Thông tư 19/BYT quy định về túi sơ cấp cứu

Quy định tại Điều 6 Thông tư 19/BYT ngày 30/06/2016 về túi sơ cứu như sau:

  1. Các túi sơ cứu phải được đặt tại khu vực làm việc của người lao động, tại nơi dễ thấy, dễ lấy, có ký hiệu chữ thập.
  2. Nội dung và số lượng túi sơ cứu thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể:

a. Yêu cầu chung

– Số lượng túi sơ cứu trang bị phù hợp với số lượng người lao động theo quy định tại mục 2;

– Đối với mỗi mặt bằng hoặc tầng nhà làm việc hoặc bộ phận làm việc cơ động phải bố trí tối thiểu 01 túi sơ cứu phù hợp;

– Các túi sơ cứu tại nơi làm việc phải có đủ số lượng trang bị dụng cụ tối thiểu cần thiết để sơ cứu theo quy định tại mục 3. Không sử dụng để chứa các vật dụng khác;

– Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo đầy đủ số lượng và nội dung túi sơ cứu theo quy định.

b. Quy định số lượng túi đối với khu vực làm việc

TT Quy mô khu vực làm việc Số lượng và loại túi
1 ≤ 25 người lao động Có ít nhất 01 túi sơ cứu loại A
2 Từ 26 – 50 người lao động Có ít nhất 01 túi sơ cứu loại B
3 Từ 51 – 150 người lao động Có ít nhất 01 túi sơ cứu loại C

* Ghi chú: 01 túi B tương dương với 02 túi A và 01 túi C tương đương với 02 túi B.

c. Quy định nội dung trang bị cho 01 túi

STT Yêu cầu trang bị tối thiểu Túi A Túi B Túi C
1 Băng dính (cuộn) 02 02 04
2 Băng kích thước 5 x 200 cm (cuộn) 02 04 06
3 Băng kích thước 10 x 200 cm (cuộn) 02 04 06
4 Băng kích thước 15 x 200 cm (cuộn) 01 02 04
5 Băng tam giác (cái) 04 04 06
6 Băng chun 04 04 06
7 Gạc thấm nước (10 miếng/gói) 01 02 04
8 Bông hút nước (gói) 05 07 10
9 Garo cao su cỡ 6 x 100 cm (cái) 02 02 04
10 Garo cao su cỡ 4 x 100 cm (cái) 02 02 04
11 Kéo cắt băng 01 01 01
12 Panh không mấu thẳng kích thước 16 – 18 cm 02 02 02
13 Panh không mấu cong kích thước 16- 18 cm 02 02 02
14 Găng tay khám bệnh (đôi) 05 10 20
15 Mặt nạ phòng độc thích hợp 01 01 02
16 Nước muối sinh lý NaCl 9 ‰ (lọ 500ml) 01 03 06
17 Dung dịch sát trùng (lọ):
– Cồn 70° 01 01 02
– Dung dịch Betadine 01 01 02
18 Kim băng an toàn (các cỡ) 10 20 30
19 Tấm lót nilon không thấm nước 02 04 06
20 Phác đồ sơ cứu 01 01 01
21 Kính bảo vệ mắt 02 04 06
22 Phiếu ghi danh mục trang thiết bị có trong túi 01 01 01
23 Nẹp cổ (cái) 01 01 02
24 Nẹp cánh tay (bộ) 01 01 01
25 Nẹp cẳng tay (bộ) 01 01 01
26 Nẹp đùi (bộ) 01 01 02
27 Nẹp cẳng chân (bộ) 01 01 02

(*) Ghi chú: Từ mục 24 – 27: cất giữ bảo quản cùng vị trí với nơi để túi sơ cứu.